Thận và một số vị thuốc chữa bệnh thận

Theo Đông y, Thận là một trong ngũ tạng của cơ thể. Là một tạng quan trọng có nhiệm vụ duy trì sự sống, sự phát triển, phát dục và bảo tồn nòi giống. Thận có những chức năng cơ bản sau đây:

Thận chủ việc tàng tinh

Tinh là vật chất cơ bản của hoạt động đời sống, bao gồm: Tinh bẩm thụ của bố mẹ gọi là tinh tiên thiên; tinh của đồ ăn uống hóa sinh ra gọi là tinh của hậu thiên. Hai thứ tinh này đều tàng trữ ở thận và có quan hệ tương hỗ lẫn nhau làm cho cơ thể luôn luôn khỏe mạnh và phát triển. Tàng tinh là công năng quan trọng của thận, từ sự sinh trưởng phát dục của cơ thể cho đến sự tồn tại của giống nòi đều nhờ tác dụng của thận tinh còn gọi là thận khí; Quá trình phát dục của cơ thể cũng tức là quá trình biến hóa thịnh suy của thận khí. Người bình thường con gái 7 tuổi, con trai 8 tuổi thận khí vượng cơ thể có sự biến đổi như răng thay, tóc dài… Con gái khoảng 14 tuổi thiên quý đến bắt đầu có kinh nguyệt, từ 21-35 tuổi mạch xung nhâm và thận khí thịnh, từ 35 tuổi trở lên thận khí bắt đầu suy kém dần, đến khoảng 49 tuổi thiên quý kiệt kinh nguyệt hết. Con trai 16 tuổi thiên quý đến bắt đầu phát dục có tinh trùng, từ 24-42 tuổi thận khí suy giảm dần, đến khoảng 64 tuổi thiên quý kiệt cơ thể già yếu dần.

Thận chủ cốt tủy

Thận tàng tinh, tinh sinh ra từ tủy, tủy chứa trong khoảng rỗng trong xương, có tác dụng nuôi dưỡng xương. Nếu thận bị bệnh không sinh được tủy, xương mất sự nuôi dưỡng có thể sinh ra chứng cốt tý: Người lạnh, khớp xương co cứng… Thận sinh tủy, não và tủy thông với nhau nuôi dưỡng hỗ trợ lẫn nhau sự thịnh suy của tinh chứa ở thận ảnh hưởng trực tiếp đến công năng của não.
Thận tàng tinh sinh tủy, huyết lại từ tủy hóa ra; Tóc là phần dư thừa của huyết và được huyết nuôi dưỡng cho nên thận yếu thì tóc bạc, răng long…

Thận chủ thủy

Sự vận hành thủy dịch, khí hóa nước trong cơ thể do thận đảm nhiệm nếu thận hư không làm được nhiệm vụ nước bị đình lại gây phù…
Thận khai khiếu ra tai: Khi chức năng của thận suy kém sinh ra tai ù, tai điếc, hoặc sức nghe giảm…

Một số vị thuốc bổ thận:


(Ảnh minh họa)

Nhân sâm: Là vị thuốc cổ truyền trong Đông y. Nhân sâm vị ngọt, hơi đắng, tính ôn, bổ 5 tạng: Tâm, can, tỳ, phế, thận, làm yên tinh thần, định hồn phách, khỏi sợ hãi. Có tác dụng đại bổ nguyên khí, ích huyết, sinh tân, định thần, ích trí, dùng làm thuốc bổ ngũ tạng, chữa suy nhược hao tổn, dùng trong bệnh nguy kịch, chữa phế hư, suyễn, tỳ hư , vị hư, nôn mửa, uống lâu nhẹ mình, tăng tuổi thọ.

Nhung hươu: Vị ngọt, tính ôn, vào các kinh can, thận, tâm và tâm bào. Có tác dụng ôn thận tráng dương, bổ huyết, cường tráng gân cốt, trị hư lao, dùng làm thuốc bồi dưỡng cho người già yếu, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, làm việc quá sức, huyết áp hạ, cơ tim yếu, mới ốm dậy.

Đảng sâm: Vị ngọt, tính bình, vào các kinh phế, tỳ. Có tác dụng bổ tỳ vị, ích khí, sinh tân dịch, giải khát. Dùng trong trường hợp tỳ hư, ăn kém, mỏi mệt, ho, phiền khát hay thiếu máu, vàng da, bệnh bạch huyết, làm thuốc bổ dạ dày, lợi tiểu.

Hà thủ ô đỏ: Vị đắng chát, hơi ngọt, tính ấm, vào các kinh can, thận, có tác dụng ích khí trừ phong, mạnh gân cốt, dùng làm thuốc bổ, trị thần kinh suy nhược, ích huyết, khoẻ gân cốt, sống lâu.

Tục đoạn: Vị đắng, hơi cay, tính bình, vào các kinh can, thận. Có tác dụng bổ gan thận, thông huyết mạch, giảm đau, dùng chữa đau lưng, mỏi gối, gân cốt đau.

Hoài sơn: Vị ngọt, tính bình, vào các kinh tỳ, vị, phế, thận. Có tác dụng ích thận, cố tinh.

Ba kích: Vị ngọt, tính ấm, vào kinh thận. Có tác dụng trừ phong thấp, ấm thận trợ dương, mạnh gân cốt, dùng làm thuốc bổ thận dương, đau lưng, mỏi gối, đau mình mẩy và gân xương.

Trạch tả: Vị ngọt, tính mát,vào các kinh thận, bàng quang. Có tác dụng lợi thấp nhiệt, lợi tiểu, dùng làm thuốc thông tiểu chữa thuỷ thũng trong bệnh viêm thận.

Sinh địa: Vị ngọt, đắng, tính hơi hàn, vào 4 kinh tâm, can, thận và tiểu trường. Có tác dụng thanh nhiệt lương huyết, dưỡng âm, sinh tân dịch, chỉ khát dùng để dưỡng âm, sinh tân dịch, hạ đường huyết.

Liên nhục: Vị ngọt, tính bình, vào các kinh tâm, tỳ, thận. Có tác dụng bổ tỳ, dưỡng tâm, an thần, dùng làm thuốc bồi dưỡng, chữa di tinh, mất ngủ, thần kinh suy nhược.

Đương quy: Vị ngọt, hơi đắng, mùi thơm, tính bình. Có tác dụng bổ huyết, điều kinh, lợi gan, thông huyết, tiêu sưng.

Xuyên khung: Vị cay, tính ấm, vào các kinh can, đởm, tâm bào. Có tác dụng hoạt huyết, trừ phong, giảm đau, dùng chữa triệu chứng nhức đầu, hoa mắt, phong thấp nhức mỏi.

Cam thảo: Là một vị thuốc rất thông dụng trong đông y. Cam thảo vị ngọt, tính bình, vào cả 12 kinh. Có tác dụng bổ tỳ vị, nhuận phế, thanh nhiệt giải độc, điều hoà các vị thuốc.

Bạch linh: Vị ngọt, nhạt, tính bình, vào 5 kinh tâm, phế, thận, tỳ, vị. Tác dụng lợi thuỷ, thẩm thấp, định tâm dùng chữa tiểu tiện khó khăn, thuỷ thũng, mất ngủ.

Bách hợp: Vị ngọt, nhạt, tính mát, vào các kinh tâm, phế. Có tác dụng dưỡng âm, nhuận phế, thanh tâm, an thần, giải độc chống viêm.

Nhục thung dung: Vị ngọt, chua, mặn, tính ấm, vào 2 kinh thận, đại tràng. Có tác dụng bổ thận dương, ích tinh huyết, nhuận tràng thông tiện.

Bạch truật: Vị ngọt đắng, mùi thơm, tính ấm, vào 2 kinh tỳ và vị. Có tác dụng bổ tỳ vị, trừ thấp nhiệt, sinh tân dịch. Dùng trong các trường hợp công năng của tỳ vị hư nhược, tiêu hoá không tốt, bụng đầy trướng, đau, buồn nôn, phù thũng, tiểu tiện khó khăn, chữa sốt ra mồ hôi.

Thỏ ty tử: Vị ngọt, cay, tính hơi ấm, vào kinh can, thận, tỳ. Có tác dụng tu bổ can thận, làm bổ thận tráng dương, bổ can, sáng mắt, lợi niệu.

Câu kỷ tử: Vị ngọt, hơi đắng, tính bình, vào các kinh can, thận. Có tác dụng tu bổ can và thận âm chữa trị nội nhiệt tiêu khát, huyết hư

Viễn chí: Vị đắng, cay, tính ấm, vào kinh tâm và thận. Có tác dụng an thần, ích trí, trừ đờm, tăng cường trí lực, tiêu thũng, giải độc.

Cẩu tích: Vị đắng, ngọt, hơi cay, tính ấm, vào các kinh can, thận. Có tác dụng bổ can, thận, dùng điều trị các bệnh do gan, thận yếu, đau lưng, đau khớp, chân tay tê mỏi.

Cao Ban long: Có tác dụng ôn bổ can, thận, ích tinh, dưỡng huyết. Chủ trị liệt dương hoạt tinh, thắt lưng, đầu gối mỏi, hư lao gầy còm, cơ thể suy nhược, đại tiểu tiện ra máu.

Đỗ trọng: Vị ngọt, cay, tính ấm, vào 2 kinh can, thận. Có tác dụng bổ can, thận, mạnh gân cốt, bình can hạ áp, dùng để trị can thận hư, đau lưng, gối mỏi, đau nhức xương, chữa tăng huyết áp.

Trả lời

Gọi điện

Gọi điện

Chat Facebook

Messenger

Điểm bán

Điểm bán

1900 3199
Chat Facebook
Điểm bán
Đặt hàng ngay